Nguyên Nhân 1
Tầm Nhìn Không Xuất Phát Từ Bản Ngã Đích Thực
“Bạn không thể sống vì giấc mơ của người khác mà mong cảm thấy viên mãn.”
Bạn có tầm nhìn, hay chỉ có… một bản mô tả công việc 10 năm tới?
Tôi đã từng hỏi một khách hàng: “Bạn có tầm nhìn chứ?”
Anh ấy bảo: “Có chứ. Tôi muốn có nhà, có xe, có tự do tài chính.”
Tôi gật gù rồi hỏi tiếp: “Nhưng bạn có thấy xúc động khi nghĩ về nó không?”
Anh ấy im lặng. Và đó là vấn đề.
Bạn thấy đấy, tầm nhìn không phải là thứ bạn nên có mà là điều bạn không thể không sống vì.
Tầm nhìn không sinh ra để gây ấn tượng mà để bạn thấy mình trong đó
Jim Rohn từng nói:
“Nếu bạn không thiết kế cuộc đời mình, bạn sẽ rơi vào kế hoạch của người khác. Và đoán xem họ có gì cho bạn không? Không nhiều.”
Nhiều người viết tầm nhìn như đang viết kế hoạch bán hàng đầy mục tiêu, không cảm xúc.
Tầm nhìn thật sự thì khác. Nó khiến bạn rưng rưng, không phải vì nó hay mà vì nó chạm vào ý nghĩa cuộc sống của bạn.
Khi tầm nhìn không thật, bạn sẽ… phản bội chính mình
Bạn sẽ:
- Bỏ nó khi khó khăn kéo đến.
- Nghi ngờ chính mình khi cảm thấy bối rối, lạc hướng.
- Và rồi nghĩ: “Có phải mình không đủ giỏi?”
Trong khi vấn đề là: bạn đang cố sống theo một viễn cảnh không phải của mình.
Vậy đâu là lối ra?
Không phải là viết lại bản tầm nhìn đẹp hơn.
Mà là viết ra điều khiến bạn muốn sống sâu sắc hơn.
“Nếu không có ai vỗ tay, tôi thật sự muốn cuộc đời mình trông như thế nào?”
Bạn không cần trả lời ngay. Nhưng nếu trong lòng bạn có một hình ảnh nào đó khiến bạn xúc động, hãy bắt đầu từ đó.
Một hành động nhỏ hôm nay:
Dành 20 phút cho chính mình. Không bảng tính. Không người đánh giá.
Chỉ có bạn và một câu hỏi: “Tôi muốn sống thế nào để khi nhìn lại, tôi thấy tự hào?”
Viết xuống. Không cần chỉnh sửa.
Chỉ cần bạn thấy mình trong đó là đủ để bắt đầu lại, theo cách đúng hơn.
“Tầm nhìn không phải là thứ bạn trưng bày mà là điều khiến bạn sống sâu sắc hơn mỗi ngày.”
Nguyên Nhân 2
Không Thấy Rõ Và Chấp Nhận Trả Giá
“Bạn không thể chạm tới đỉnh núi nếu không sẵn sàng bước vào dốc đá.”
Ai cũng thích thành công. Ít người thật sự muốn trả giá.
Tôi từng hỏi một người khách hàng:
– “Bạn muốn điều gì nhất trong 5 năm tới?”
– “Tự do. Làm điều mình yêu thích, kiếm nhiều tiền, đi du lịch bất kỳ lúc nào.”
– “Bạn sẵn sàng đánh đổi điều gì để đạt được điều đó?”- Tôi hỏi
Anh ấy im lặng. Một lần nữa… đó là vấn đề.
Bạn thấy đấy, ai cũng thích kết quả nhưng không phải ai cũng thành thật với cái giá cần trả.
Bạn không thể ôm giấc mơ rực rỡ và né tránh sự bất tiện
Tầm nhìn không chỉ là ánh sáng, nó cũng là bóng tối mà bạn phải đi qua.
Nó đòi hỏi sự kỷ luật, rủi ro, cô đơn, thậm chí là cả sự không chắc chắn kéo dài.
Jim Rohn từng nói:
“Chúng ta phải chịu đựng một trong hai thứ: nỗi đau của kỷ luật, hoặc nỗi đau của hối tiếc.”
Bạn chọn cái nào?
Nếu bạn không rõ cái giá, bạn sẽ dễ quay xe
Vì sao nhiều người bỏ cuộc giữa chừng?
Không phải vì họ không đủ năng lực.
Mà vì họ không lường trước được rằng – để sống thật với tầm nhìn – họ phải từ chối những điều dễ dàng.
Khi bạn chỉ “thích kết quả”, bạn sẽ bị thử thách làm chệch hướng.
Nhưng nếu bạn đã chấp nhận cái giá, bạn sẽ đi đến cùng – kể cả khi không ai tin bạn sẽ làm được.
Lối ra: Trung thực. Rõ ràng. Không ảo tưởng.
“Tôi thật sự sẵn sàng đánh đổi điều gì cho tầm nhìn của mình?”
“Tôi có chấp nhận việc có lúc sẽ mệt, đơn độc, bị hiểu lầm?”
“Tôi có sẵn sàng bước đi, ngay cả khi chưa chắc chắn 100%?”
Nếu câu trả lời là “có”: Chúc mừng, bạn đang trưởng thành thật sự.
Nếu là “chưa” tuyệt. Giờ là lúc bạn đối thoại lại với chính mình.
Một hành động nhỏ hôm nay: Viết lại “cái giá” bạn sẵn sàng trả
Dành 10 phút. Kẻ hai cột:
- Một bên: Điều bạn khao khát.
- Một bên: Điều bạn sẵn sàng đánh đổi.
Viết thật lòng. Không tô hồng. Không tô đen. Chỉ cần rõ ràng.
Vì khi bạn nhìn rõ cái giá, bạn sẽ không còn sợ nó nữa.
“Tầm nhìn không cần bạn hoàn hảo – nó chỉ cần bạn thật thà với cái giá của
Nguyên Nhân 3
Dính Mắc Với Phiên Bản Cũ
“Bạn không thể bước sang trang mới nếu cứ ôm mãi cuốn sách cũ và sợ… gấp lại.”
Ai cũng muốn kết quả mới. Nhưng mấy ai chịu trở thành con người mới?
Tôi từng hỏi một khách hàng:
– “Bạn muốn gì cho chặng đường tiếp theo?”
– “Tôi muốn mở rộng đội ngũ, tự tin bước lên dẫn dắt, và sống đúng với giá trị của mình hơn.”
Tôi gật đầu: “Tuyệt. Và bạn sẵn sàng buông điều gì để làm được điều đó?”
Câu trả lời là… im lặng.
Bạn thấy đấy, chúng ta khao khát thay đổi nhưng thường giữ khư khư những thứ không còn phục vụ mình nữa.
Thành công cũ có thể là cái bẫy ngọt ngào
Có thể bạn từng rất giỏi với cách làm cũ.
Có thể phiên bản “người chăm chỉ, ít nói, làm tốt công việc” đã giúp bạn có chỗ đứng ngày hôm nay.
Nhưng… bạn đang muốn bước lên tầm nhìn mới.
Và phiên bản đó -dù tốt -không còn đủ rộng cho giấc mơ hiện tại nữa. Hãy ngừng ăn mày quá khứ giống như tôi đã từng. Ai đó đã nói: “Nếu bạn không thích nơi mình đang đứng hãy dịch chuyển. Bạn không phải là cái cây.”
Vấn đề là: bạn không thấy mình đang… dính
Bạn vẫn hành xử theo phản xạ cũ.
Vẫn tránh xung đột vì sợ mất lòng.
Vẫn muốn kiểm soát mọi thứ vì… lo lắng người khác không làm tốt.
Bạn nói muốn “trao quyền, tin người” nhưng hành vi thì vẫn giữ lấy mọi thứ.
Đó là mâu thuẫn ngầm giữa tầm nhìn mới và phiên bản cũ.
Muốn tiến hoá cần có lòng can đảm buông bỏ
“Tôi đang níu giữ điều gì chỉ vì nó từng giúp tôi trong quá khứ?”
“Phiên bản nào trong tôi đã hết hạn, nhưng tôi vẫn mặc mỗi ngày?”
Đây không phải là cuộc chiến chống lại chính mình.
Mà là hành trình tôn trọng con người cũ rồi nhẹ nhàng bước về phía phiên bản đang chờ bạn trở thành.
Một hành động nhỏ hôm nay: Viết thư chia tay phiên bản cũ
Không đùa đâu. Hãy thử viết một lá thư ngắn gửi đến “Tôi cũ”:
- Cảm ơn những gì phiên bản đó đã làm để bảo vệ và xây dựng bạn.
- Nhẹ nhàng nói lời chia tay.
- Và chào đón điều bạn muốn trở thành.
Bạn sẽ thấy chỉ cần dám nói rõ ra, bạn đã bắt đầu dịch chuyển.
“Thành công hôm qua là vùng an toàn hôm nay và cũng có thể là lý do khiến ngày mai của bạn không bắt đầu được.”
Nguyên Nhân 4
Hành Vi Không Tương Ứng Với Tầm Nhìn
“Tầm nhìn không phải điều bạn tuyên bố – mà là điều bạn xác nhận bằng hành vi mỗi ngày.”
Bạn nói mình có tầm nhìn lớn. Nhưng bạn đang sống như thể… chẳng có gì thay đổi.
Tôi từng hỏi một người bạn làm quản lý cấp cao:
– “Tầm nhìn của bạn cho năm tới là gì?”
– “Tôi muốn trở thành người dẫn dắt chiến lược, không còn bị mắc kẹt vào việc vận hành chi tiết.”
Tôi hỏi tiếp:
– “Tuần vừa rồi bạn dành bao nhiêu phần trăm thời gian cho vai trò chiến lược?”
Anh ấy cười trừ. “Chắc… dưới 10%.”
Và đó là điểm nghẽn.
Tầm nhìn thì lớn, nhưng hành vi thì… vẫn như cũ
Bạn muốn sống như một người dẫn dắt truyền cảm hứng – nhưng mỗi ngày vẫn phản ứng như một người sợ mất lòng.
Bạn muốn đội ngũ mạnh mẽ và chủ động – nhưng vẫn kiểm tra từng chi tiết nhỏ vì không tin người khác làm đủ tốt.
Bạn muốn dành thời gian cho việc lớn – nhưng vẫn cuốn vào email, họp hành và việc không ai khác chịu làm.
Jim Rohn từng nói: “Kỷ luật là chiếc cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu.”
Còn tôi muốn thêm: Hành vi là bản test không lời của tầm nhìn.
Bạn có thể “nói” bạn muốn gì. Nhưng cách bạn “sống” mới là câu trả lời thật
Nhiều người tưởng mình đang đi chệch vì thiếu tầm nhìn.
Nhưng thật ra, họ đang đi chệch… vì hành vi chưa được cập nhật theo tầm nhìn mới.
Bạn không cần đợi có cảm hứng rồi mới hành động.
Bạn hành động trước cảm hứng sẽ theo sau.
Hãy hỏi: “Phiên bản đang hành động mỗi ngày của tôi đang phục vụ tầm nhìn nào?”
Nếu bạn không cố ý sống theo tầm nhìn, bạn sẽ vô tình sống theo thói quen cũ.
Không phải vì bạn không đủ giỏi – mà vì bạn chưa thực sự đổi “cách sống mỗi ngày”.
Một hành động nhỏ hôm nay: Chọn 1 hành vi để “nâng cấp”
Hãy nhìn lại lịch làm việc tuần này.
- Hành động nào đang ngược lại với tầm nhìn?
- Hành động nào dù nhỏ, nhưng nếu duy trì sẽ đưa bạn gần hơn tới phiên bản bạn muốn trở thành?
Chọn một việc duy nhất. Làm lại nó có chủ đích, có ý nghĩa.
Vì sự tiến hoá bắt đầu từ những hành vi rất thường ngày.
“Tầm nhìn không phải là chuyện của tương lai. Nó là thứ bạn thực hành mỗi ngày bằng cách sống khác đi, dù chỉ một chút.”
Nguyên Nhân 5
Thiếu Hệ Sinh Thái Phản Chiếu – Cộng Hưởng
“Tầm nhìn không thể sống dai nếu bạn chỉ nuôi nó một mình.”
Bạn có ai chứng kiến hành trình của mình không?
Tôi từng hỏi một người đang trên hành trình xây lại cuộc đời sau một biến cố lớn:
– “Bạn có ai bên cạnh nhắc bạn là ai khi bạn bắt đầu nghi ngờ chính mình không?”
– “Không. Tôi không muốn làm phiền ai cả. Hơn nữa, tôi cũng tự tin mình có thể làm tốt mà không cần ai chỉ bảo và giám sát”.
Tôi gật đầu và thấy rõ một trong những lý do khiến hành trình của bạn ấy quá cô độc:
Tầm nhìn mà không có ai cùng nhìn, thì rất dễ mờ đi.
Một phiên bản mạnh mẽ, không đồng nghĩa với một phiên bản đủ đầy.
Bạn nghĩ rằng mình cần phải làm được mọi thứ rồi mới chia sẻ.
Bạn chờ tới khi thành công rồi mới dám kể về giấc mơ.
Nhưng chính vì không ai biết, không ai nhắc, không ai soi lại bạn bắt đầu… quên.
Có một câu nói: “Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn dành thời gian nhiều nhất.”
Còn tôi muốn thêm: Bạn là sự phản chiếu của những người đủ tin bạn để nhắc bạn quay về.
Không có ai “giữ gương”, bạn rất dễ lạc mất mình. Việc soi gương giúp bạn thấy mặt mình bẩn và tự rửa.
Bạn không có ai hỏi lại:
– “Điều này có thật sự đúng với tầm nhìn của bạn không?”
Bạn không có ai chúc mừng dù bạn vừa làm được một điều nhỏ… nhưng đúng hướng.
Và bạn bắt đầu nghĩ: “Có lẽ giấc mơ này không quan trọng đến thế.”
Không phải vì nó không quan trọng mà vì nó không được phản chiếu trở lại.
Hãy xây cho mình một hệ sinh thái không phải chỉ để có người khen, mà để không lạc
“Ai là người biết rõ tầm nhìn của bạn và có thể nhắc bạn quay về khi bạn bắt đầu nghi ngờ?”
“Bạn đang sống trong cộng đồng nào, nơi giá trị và tầm nhìn của bạn được nuôi dưỡng, không bị làm loãng?”
Nếu bạn không có ai… hãy bắt đầu tìm.
Vì hành trình đi một mình có thể mạnh nhưng đi cùng người giữ gương, bạn sẽ đi xa, và không quên mình là ai.
Một hành động nhỏ hôm nay: Chọn 1 người và chia sẻ
Không cần công bố trên mạng.
Chỉ cần chọn một người bạn tin tưởng. Nói rằng: “Đây là điều tôi đang hướng tới. Nếu thấy tôi chệch hướng, bạn có thể nhắc tôi không?”
Và nếu bạn có sẵn một nhóm như vậy hãy cảm ơn họ. Họ là tài sản quý giá nhất cho hành trình trưởng thành của bạn. Tôi luôn tự tạo cho mình 1 nhóm, vì tôi biết kỷ luật nhóm tạo nên kỷ luật cá nhân. Nhóm của tôi tên là Fansipan, đã 3 năm nay chúng tôi cùng nhau chinh phục giấc mơ của mình theo cách đó.
“Tầm nhìn không sống trong đầu bạn, nó sống trong mối liên hệ với những người tin vào bạn ngay cả khi bạn chưa tin vào chính mình.”
Nguyên Nhân 6
Không Cập Nhật Tầm Nhìn
“Bạn không bị lạc đường bạn chỉ đang đi theo một tấm bản đồ đã lỗi thời.”
Tầm nhìn 2 năm trước có thể rất đúng… với phiên bản bạn của 2 năm trước
Tôi từng hỏi một khách hàng ruột:
– “Bạn còn thấy mình gắn bó với tầm nhìn đã viết hồi tham gia chương trình đầu tiên không?”
– “Thật lòng thì… không còn nguyên vẹn như trước. Nhưng tôi ngại viết lại vì sợ như thể mình đang phản bội bản thân.”
“Không đâu, bạn đang trung thực. Và điều đó đáng trân trọng hơn bất kỳ bản tầm nhìn nào từng viết.” – Tôi mỉm cười xúc động vì bạn đang nhận diện đúng vấn đề.
Tầm nhìn không phải là tấm bia đá – nó là một thực thể sống
Jim Rohn từng nói: “Không phải mục tiêu cần thay đổi, mà là bạn sẽ thay đổi khi bạn trưởng thành.”
Và điều ngược lại cũng đúng: Khi bạn thay đổi, tầm nhìn cũng cần được làm mới không phải để chạy theo cảm xúc, mà để phản ánh đúng người bạn đang trở thành.
Giữ mãi một tầm nhìn đã cũ là cách bạn vô tình giữ mình ở phiên bản cũ
Bạn cứ nỗ lực thực hiện một tầm nhìn… đã không còn chạm vào tim mình.
Bạn cảm thấy thiếu động lực, nhưng không hiểu vì sao.
Bạn tưởng mình “hết lửa” – trong khi thực tế là: ngọn lửa đã đổi hình – còn bạn thì chưa nhận ra.
Vậy điều cần không phải là “có tầm nhìn” mà là dám cập nhật nó khi cần
“Tôi còn thấy xúc động với tầm nhìn cũ không?”
“Tôi có đủ can đảm để viết lại một tầm nhìn thật với hiện tại của mình – dù nó khác trước?”
“Tôi có đang trung thực với chính mình… hay chỉ trung thành với một bản kế hoạch từng khiến mình tự hào?”
Không ai trừng phạt bạn vì bạn thay đổi.
Nhưng nếu bạn không dám thay đổi, bạn đang tự đánh mất sự tiến hoá của chính mình.
Một hành động nhỏ hôm nay: Đọc lại tầm nhìn và viết lại phiên bản sống động hơn
Dành 15 phút. Đọc lại bản tầm nhìn bạn từng viết.
Chú ý: phần nào còn khiến bạn rưng rưng? Phần nào thấy “hết cảm”?
Rồi, thử viết lại.
Vì nếu bạn đang tiến hoá, tầm nhìn của bạn cũng xứng đáng được “tiến hoá cùng.
“Tầm nhìn đích thực không cố định như sắt đá, nó linh hoạt như dòng sông. Miễn là nó vẫn chảy về nơi khiến bạn cảm thấy sống trọn vẹn.”
Lời Kết
Tầm Nhìn Không Chết – Nó Chỉ Chờ Được Sống Lại Đúng Cách
Chúng ta ai cũng từng viết một tầm nhìn nào đó trong đời.
Và cũng có thể đã từng bỏ quên nó.
Không phải vì bạn không đủ giỏi. Không phải vì bạn thiếu kiên trì.
Mà vì có những nguyên nhân âm thầm làm tầm nhìn trở nên rời rạc thiếu gốc rễ, thiếu người soi sáng, thiếu bước chân đúng đắn mỗi ngày.
6 nguyên nhân bạn vừa đọc không phải để trách móc bản thân.
Chúng là gương soi để bạn có thể dừng lại, nhìn thẳng, và bắt đầu lại… lần này với sự rõ ràng và trung thực sâu sắc hơn.
Bắt đầu từ một tầm nhìn chạm vào trái tim.
Tiếp tục bằng sự cam kết với cái giá cần trả.
Can đảm buông phiên bản cũ.
Hành động mỗi ngày như thể bạn thật sự tin vào điều mình theo đuổi.
Không đi một mình.
Và không ngại cập nhật, viết lại, tiến hoá vì bạn cũng đang tiến hoá.
Vì tầm nhìn không phải là một câu chữ bạn viết ra cho hay.
Tầm nhìn là điều bạn đang sống và nếu bạn đủ thật lòng với nó, nó sẽ sống lại với bạn.
Nếu chuỗi bài này khiến bạn dừng lại – nghĩ sâu – và muốn bước đi khác đi, hãy để lại lời nhắn. Hoặc chia sẻ với người bạn tin rằng cũng đang cần điều này.
Vì đôi khi, chỉ cần một câu chữ đúng lúc là đủ để ta bắt đầu lại cả một chặng đường.